Sản phẩm nổi bật

TRUNG NGUYÊN

Lượt truy cập
  • 3
  • 1333
  • 3,416,336

Số hóa truyền hình mặt đất giai đoạn 3: Tiếp tục thực hiện trong năm 2019

  23/07/2018
(HNM) - Đến thời điểm này đã có 34 tỉnh, thành phố (gồm 5 thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Nam Bộ) đã thực hiện số hóa truyền hình mặt đất. Lộ trình số hóa truyền hình sẽ tiếp tục tại các tỉnh, thành phố có địa bàn là khu vực miền núi; thuộc miền Trung - Tây Nguyên và diễn ra trong năm 2019…

Kế hoạch ban đầu, năm 2018 các tỉnh thuộc nhóm III của đề án số hóa truyền hình mặt đất tiếp tục thực hiện theo lộ trình xong trước ngày 31-12-2018, gồm 12 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng và Ninh Thuận (từ nhóm II chuyển sang). Tuy nhiên, để bảo đảm việc chuẩn bị hạ tầng phát sóng cũng như các phương án hỗ trợ đầu thu cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định dời thời gian tắt sóng truyền hình analog tại một số địa bàn (người dân đang xem đầu thu truyền hình tương tự mặt đất từ trạm phát sóng chính) tại 12 tỉnh nhóm III sang thời điểm trước ngày 31-3-2019. Một số địa bàn là những khu vực đồi núi (người dân đang thu xem truyền hình tương tự mặt đất từ trạm phát lại) thuộc 9 tỉnh nhóm II (Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa) hoàn thành số hóa trước ngày 30-6-2019. Các khu vực là vùng sâu, vùng xa (nơi có người dân xem truyền hình analog từ trạm phát lại) tại 12 tỉnh, thành phố nhóm III sẽ hoàn thành trước ngày 30-9-2019.

Ngày 14-3-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 310/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Theo đó, Quyết định 310/QĐ-TTg đã bổ sung, điều chỉnh: Đề án số hóa truyền hình được triển khai dựa trên nguyên tắc kết hợp số hóa truyền hình mặt đất với truyền hình số qua vệ tinh tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu thu vệ tinh cho hộ nghèo, cận nghèo tại các địa bàn đang thu xem truyền hình tương tự (còn gọi là truyền hình analog) từ các trạm phát lại truyền hình nhưng không được phủ sóng DVB-T2 tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Như vậy, điểm mới của Quyết định 310/QĐ-TTg chính là kết hợp cả phương án hỗ trợ đầu thu vệ tinh - là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp triển khai. Sở dĩ như vậy là do xuất phát từ điều kiện tự nhiên, nhiều tỉnh, thành phố có địa hình đồi núi hiểm trở; có khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo và những địa bàn này phù hợp với việc xem truyền hình số qua vệ tinh khi không thể lắp đặt các trạm phát sóng...

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì diễn ra trung tuần tháng 6 vừa qua, Ban Chỉ đạo đã thống nhất việc triển khai. Cục Tần số vô tuyến điện tính toán, xác định danh sách địa bàn đang thu xem truyền hình tương tự mặt đất từ các trạm phát chính, trạm phát lại tại 9 tỉnh nhóm II, 12 tỉnh nhóm III để phục vụ việc hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các địa phương xác định cụ thể danh sách địa bàn thuộc vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2, địa bàn thuộc vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số vệ tinh DTH trên thực tế... Dự kiến việc triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất và đầu thu truyền hình số vệ tinh cần số lượng lớn, nên việc hỗ trợ thực hiện theo các giai đoạn và hoàn thành lắp đặt cho các hộ gia đình bảo đảm xong trước thời gian tắt sóng truyền hình analog.
 
 
Việt Nga

Bình luận

Tin tức mới

Xem tất cả