Sản phẩm nổi bật

TRUNG NGUYÊN

Lượt truy cập
  • 8
  • 1370
  • 3,416,373

Thị trường đầu thu số DVB-T2: DN nhập khẩu ngậm ngùi để tuột mất thị phần

  19/08/2016

Thị trường đầu thu truyền hình số DVB-T2 đang "cháy" hàng ở nhiều khu vực miền Bắc do các doanh nghiệp không dám nhập khẩu về vì sợ bị truy thu thuế, còn các doanh nghiệp lắp ráp đầu thu trong nước chạy hết công suất vẫn không đủ hàng bán. Đầu thu số nhập lậu cũng hút hàng, được nhiều người chọn mua vì giá rẻ.

Thị trường đầu thu truyền hình số đã có dấu hiệu khan hiếm ở miền Bắc. Ảnh: Việt Hải

Cho đến chiều ngày 18/8/2016, ICTnews đã ghi nhận sức nóng của thị trường đầu thu truyền hình số DVB-T2 ở khắp các vùng miền. Chỉ sau một ngày đầu tiên êm ả, từ ngày 17/8 hiện tượng đổ xô đi mua đầu thu DVB-T2 đã xảy ra ở nhiều địa phương, cao điểm nhất là các khu vực ngoại thành Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng. Tại thị trường miền Nam, lượng đầu thu DVB-T2 cũng tiêu thụ tăng mạnh so với 2 ngày trước.

Sáng ngày 18/8, một số công ty nhập khẩu đầu thu DVB-T2 như LTP Việt Nam, Tân Nguyên An đã hết hàng ở khu vực miền Bắc. Còn doanh nghiệp lắp ráp trong nước là Hùng Việt thì hàng lắp ráp không kịp nhu cầu đặt hàng.

Một số đại lý bán lẻ đã cháy hàng những đầu thu giá rẻ có giá tầm 400.000 - 450.000 đồng (đầu thu lậu – PV), kế đó là những loại đầu thu chính hãng có giá tầm trung dưới 600.000 đồng, chỉ còn những loại hàng cao cấp có giá bán lẻ từ 700.000 đồng trở lên.

Nguyên nhân của việc khan hiếm đầu thu là do sát ngày tắt sóng truyền hình analog, Hải quan đã ra quyết định về truy thu thuế nhập khẩu đầu thu DVB-T2 với mức thuế 35%. Việc truy thu thuế nhập khẩu ở mức cao bất ngờ đã tạo ra một khoảng cách trống lớn trên thị trường đầu thu số DVB-T2.

Đây là lý do khiến hàng loạt các công ty nhập khẩu đầu thu có quy mô nhỏ trên thị trường như LTP Việt Nam, Tân Nguyên An đã không dám nhập hàng về nhiều. Thị phần đầu thu DVB-T2 bỗng dưng chảy sang các công ty lắp ráp trong nước như: Hùng Việt, VNPT Technology, Vũ Hồng Minh, Ưng Bình Châu.

 

Tuy nhiên, năng lực lắp ráp của các công ty trong nước cũng có hạn và còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn linh kiện nhập khẩu. Ông Huỳnh Phú, Phó Giám đốc Công ty Vũ Hồng Minh cho hay, tại thị trường miền Nam sản phẩm của công ty này đang tiêu thụ rất mạnh, nhất là sau khi HTV7 và HTV9 bị cắt sóng analog. Từ 16/8/2016, mỗi ngày Công ty Vũ Hồng Minh xuất kho cho các đại lý khoảng 4.000 – 5.000 bộ đầu thu. Lượng hàng hóa đã được các đại lý găm sẵn nên tuy bán chạy nhưng không có hiện tượng tăng giá bán lẻ. Sản phẩm của Công ty Vũ Hồng Minh đang tiêu thụ mạnh ở thị trường miền Nam, tại miền Bắc và miền Trung doanh số bán ra thấp hơn.

“Hồi cắt sóng 15/6 thị trường bị cháy hàng, giá bán tăng lên, đợt 15/8 này bán hàng chạy nhưng không tăng giá và chưa bị cháy hàng. Lượng hàng bán ra hàng ngày của Vũ Hồng Minh chỉ bằng 50-60% hồi 15/6”, ông Phú cho hay.

Thị trường miền Nam chưa bùng nổ vì số lượng người xem truyền hình số qua vệ tinh khá nhiều. Một nguyên nhân nữa là các tỉnh miền Tây Nam Bộ vẫn xem được kênh truyền hình Vĩnh Long và các kênh địa phương khác qua hệ thống analog nên nhiều người có tâm lý chưa vội lắp đầu thu.

Ông Lê Việt Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Việt cho hay, lượng hàng xuất kho của Hùng Việt tương đương với đợt tắt sóng 15/6 do các đại lý đã nhập sẵn hàng từ trước. Từ hôm 15/8 đến nay mỗi ngày Hùng Việt xuất kho khoảng 5.000 bộ. Hiện nay công suất lắp ráp của Hùng Việt khoảng 3.500 - 5.000 bộ một ngày, có nhiều loại lắp ráp không kịp so với nhu cầu đại lý, nhưng đến nay có những model giá thấp đã bị hết hàng. Thị trường miền Bắc đang tăng rất mạnh, ở miền Nam Công ty Hùng Việt bán cầm chừng hơn.

Trong ngày 18/8, VNPT Technology đã xuất ra một lượng hàng khá lớn, mặc dù đầu thu iGate T202 của hãng này có giá bán lẻ khá cao 750.000 đồng, nhưng do VNPT Technology khuyến mãi tặng kèm SIM VinaPhone và 1,6 triệu đồng nên cũng hấp dẫn người mua. Hiện nay, đầu thu iGate là mặt hàng chủ lực của nhiều đại lý bán lẻ đầu thu ở miền Bắc.

Mặc dù trước đó đã có sự cảnh báo về tình trạng người dân đổ xô đi mua đầu thu truyền hình sau khi chính thức tắt sóng analog ở 4 TP lớn và ảnh hưởng đến 19 tỉnh lân cận, tác động tới gần 50% dân số cả nước. Nhưng chỉ sau 3 ngày tắt sóng truyền hình analog, tại Hà Nội, nhiều đại lý bán lẻ ở nội thành cũng như ngoại thành đã hết các loại đầu thu của Hùng Việt, LTP Việt Nam, Tân Nguyên An, thậm chí gọi hàng thêm cũng chưa có.

Đại diện công ty LTP Việt Nam cho hay, do sợ bị truy thu thuế nhập khẩu nên LTP Việt Nam không dám nhập khẩu về nhiều, dù biết trước nhu cầu tiêu thụ rất cao, càng bán nhiều sau này bị truy thu thuế sẽ càng lỗ to nên công ty chỉ nhập một lượng rất ít để giữ mối đại lý ruột và dùng làm hàng bảo hành. Hiện ở Hà Nội LTP Việt Nam đã hết hàng, trong miền Nam thì còn rất ít.

Công ty Tân Nguyên An chia sẻ, hiện chỉ còn vài trăm bộ đầu thu để bảo hành cho khách chứ không dám bán.

Đại diện công ty Hoàng Minh An, cung cấp sản phẩm đầu thu Yoilo cũng cho biết, từ ngày 16/8 mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 1.600 bộ, với tốc độ này nhiều khả năng sẽ bị cháy hàng do lượng đầu thu dự trữ có hạn.

Như vậy, trên thị trường đầu thu số DVB-T2, các doanh nghiệp nhập khẩu đầu thu đều có tâm lý bán hàng cầm chừng để đợi sau khi Bộ TT&TT sửa đổi mã HS loại đầu thu truyền hình, có thể được áp mức thuế nhập khẩu thấp hơn, khi đó mới kinh doanh trở lại.

Rào cản thuế một mặt cũng giúp bảo hộ thị trường trong nước, tuy nhiên với Đề án số hóa truyền hình thì việc áp thuế cao lại gây khó khăn không nhỏ cho quá trình triển khai đề án, cũng như ảnh hưởng lớn đến nhu cầu mua sắm đầu thu truyền hình của người dân.

                                                                                                Khôi Nguyên

 

Bình luận

Tin tức mới

Xem tất cả